SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE – MỐI ĐE DỌA HÀNG ĐẦU ĐẾN SỨC KHỎE CON TRẺ
Ngày đăng: 17/09/2019
Bệnh viện Triều An – Loan Trâm với phương châm “Tình thương và Chất lượng” cùng với năng lực chuyên môn cao, sự tận tâm của các y bác sĩ đã cứu sống và điều trị thành công một bệnh nhi bị sốt xuất huyết Dengue biến chứng xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy hô hấp. Đó là trường hợp của bé Lê H. A, 7 tuổi, ngụ tại Mỹ Đức Tây, Cái Bè, Tiền Giang.
Gia đình đưa bé đến bệnh viện khám khi bé bị sốt cao 2 ngày liên tục kèm theo nôn ói. Sau khi được bác sĩ nhi khám và cho xét nghiệm máu bé được chẩn đoán là sốt xuất huyết Dengue ngày 2 có dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện để theo dõi điều trị.
Đến ngày thứ tư, bé vào sốc với các biểu hiện: mạch nhanh và nhẹ, tay chân lạnh, huyết áp kẹp. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch chống sốc theo phác đồ điều trị. Nhưng đến giờ truyền dịch thứ 13, bé tái sốc và được điều chỉnh lại tốc độ truyền dịch, khi bé ra sốc các bác sĩ tiếp tục theo dõi sát tình trạng bệnh. Đến giờ truyền dịch thứ 24, bệnh bé diễn tiến nặng hơn, bé khó thở nhiều, thở ì ạch nên phải hỗ trợ thở NCPAP áp lực dương liên tục qua mũi, kèm theo đó bé tiêu phân đen 1 lần, lượng vừa. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị rối loạn đông máu nặng (tiểu cầu 5000/mm3, thời gian đông máu nội ngoại sinh kéo dài gấp đôi so với bình thường). Với diễn biến bệnh ngày càng phức tạp, các bác sĩ khoa nhi của Bệnh viện Triều An – Loan Trâm đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và hội ý kiến của bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 đề nghị chuyển viện. Điều khó khăn là do bé đang trong tình trạng suy hô hấp nặng phải thở NCPAP áp lực cao nên nếu chuyển viện trong thời điểm hiện tại sẽ không an toàn, tiên lượng có thể tử vong trên đường đi. Vì vậy, bé đã được giữ lại Khoa nhi để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau 38 giờ truyền dịch và các phương pháp hỗ trợ điều trị khác bé được ngưng truyền dịch và tiếp tục theo dõi trong tình trạng suy hô hấp nặng.
Sau 2 ngày theo dõi sát, đến ngày thứ 7 bé ngưng được NCPAP, chuyển sang thở oxy qua cannula. Kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số rối loạn đã bắt đầu dần trở về ổn định. Hiện tại bé đã qua cơn nguy kịch, thở bình thường, ăn uống được, bệnh đã ổn định hơn rất nhiều.
Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy rằng sốt xuất huyết là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe của con trẻ. Nếu nhận thấy trẻ nhỏ có những dấu hiệu bất thường như sốt cao, nôn ói,… các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng gây bất lợi cho trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo mùa mưa như hiện nay là thời điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát cao nhất. Vì vậy, chúng ta cần phải chung tay phòng bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung bằng các hành động thiết thực như: giữ vệ sinh nơi ở thật sạch sẽ, tránh chứa nhiều những vật dụng không cần thiết như chai lọ, những đồ vật có khả năng chứa nước thải hoặc nước mưa quanh nơi sinh sống; diệt ấu trùng muỗi (lăng quăng), không tạo điều kiện để muỗi đẻ trứng bằng một số biện pháp như: thả cá vàng hay các loại cá ăn lăng quăng vào trong lu, giếng, chum, vại; đổ hết nước trong các vật chứa đựng nước không cần thiết; tránh để đồ đạc không ngăn nắp hoặc để nhiều đồ vào chỗ tối tạo khe hở cho muỗi sinh sản; ….
(Tác giả: Bệnh viện Triều An - Loan Trâm)