Đừng chủ quan khi tự ý dùng thuốc

Ngày đăng: 03/02/2018

Khi có bệnh, cần đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh kê đơn thuốc, tuân theo chỉ dẫn trong đơn thuốc.

Chỉ cần sụt sịt sổ mũi, đau họng, ho, đau bụng hay sốt… thì không ít người liền đến nhà thuốc mua thuốc uống, trong đó có cả kháng sinh mà không cần bác sĩ khám, kê toa.
LẤY TOA CỦ ĐI MUA THUỐC
Trong vai người đi mua thuốc, chúng tôi đến nhiều nhà thuốc từ thành thị đến nông thôn. Ghé một nhà thuốc khá đông khách ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) nói: “Bán dùm thuốc cho bé 20 tháng bị ho, sổ mũi sáng giờ!”
Anh bán thuốc trong áo blouse trắng, hỏi: “Có sốt không, uống mấy lần?”- “Dạ chưa sốt, em mua 1 ngày trước nhe anh!” Anh không nói, mặt lạnh tanh lấy những viên thuốc xanh, cam, vàng, trắng từ trong hộp thuốc ra rồi bỏ bọc ny lông nhỏ đưa: “20 ngàn, chia 2 liều uống”. Thấy có tới 4 loại thuốc, tôi hỏi có kháng sinh không?- “Có, không uống sao hết?”
Chúng tôi tới nhà thuốc trên địa bàn Phường 1, cũng nói mua thuốc cho bé với triệu chứng y như vậy thì có 2 loại thuốc xanh, trắng và thêm 2 viên kẹo ngậm C.
Thấy có khá đông khách mua thuốc, chúng tôi nấn ná mua thêm hộp khẩu trang để quan sát. Có người đưa điện thoại chụp vỏ thuốc cũ để mua thêm thuốc.
Có người đưa toa thuốc cũ để mua thuốc cho con bị viêm tai giữa vì hôm nay con lại bị đau tai, tai có mủ, ngửi có mùi chắc bệnh cũ tái phát. Có người đến mua thêm 1 ngày thuốc nữa, vì hôm qua uống thấy bớt, uống thêm cho dứt luôn. Có người đến nói gọn lỏn: “Bán 2 ngày thuốc tiêu chảy cho con 3 tuổi”…
Tại nhiều xã vùng ven, khi người dân có triệu chứng mệt mỏi, cảm cúm thì thường tự đi mua thuốc uống. Lúc đến một nhà thuốc ở xã Đông Thạnh (TX Bình Minh), chúng tôi kể bé 22 tháng bị ho, sổ mũi kèm sốt. Nhân viên cũng cho bọc thuốc, có kèm thuốc kháng sinh.
Đến nhiều quầy thuốc từ thành thị đến nông thôn, trừ các quầy thuốc ở bệnh viện, chúng tôi đều chứng kiến được cảnh mua các loại thuốc mà không cần đơn.
Về phía các nhà thuốc thì nhân viên thường ít hỏi đơn, gần như không hỏi người mua về tiền sử dị ứng thuốc, không tư vấn cho bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khi bệnh nặng hơn, với trẻ em cũng không hỏi trẻ nặng bao nhiêu để cho thuốc đúng liều lượng...
Người mua thuốc chỉ cần ghé vào kể vài triệu chứng bệnh, lập tức được nhân viên bán thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, kháng viêm mà không cần có toa.
 SAI LẦM KHI TỰ Ý DÙNG THUỐC
Nhiều người “tự làm bác sĩ”, tức là tự mua thuốc về điều trị hoặc điều trị theo mách bảo của người xung quanh, thậm chí sử dụng đơn thuốc của người khác.
Thói quen xấu này đã dẫn đến vô vàn hậu quả: vi khuẩn gây bệnh kháng lại kháng sinh, làm số ngày điều trị tăng, chi phí tăng và tử vong tăng. Chính từ thói quen này đã dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Tín- Phó Giám đốc Công ty TNHH Loan Trâm, khi bệnh thay vì đi khám thì nhiều người tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc uống.
Người bệnh mua vài liều uống, thấy giảm các triệu chứng là ngưng uống thuốc luôn. Nhiều lần như vậy, thấy bệnh tình hoặc tình trạng khó chịu có thể giảm, thậm chí khỏi, nên họ coi đó là chuyện bình thường.
Nhưng nhiều trường hợp không khỏi mà có khi bệnh còn nặng hơn, thậm chí tai biến nguy hiểm đến tính mạng sau khi dùng thuốc, đã được các nhà chuyên môn cảnh báo nhiều lần.
Có bệnh nhân sau khi uống thuốc ngoài hoài không hết, mới chịu đi khám, đem bọc thuốc cho bác sĩ xem thì bác sĩ có khi cũng không biết đó là thuốc gì, vì đã được lột bỏ vỏ hộp. Với trẻ em, khi điều trị kháng sinh không hợp lý, không đủ liều, không đúng bệnh sẽ dẫn tới không ít trường hợp bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.
Việc uống kháng sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn hay tái nhiễm phải do bác sĩ chỉ định.
Bác sĩ Trung Tín cho biết: “Những bệnh nhiễm siêu vi thông thường thì từ 5- 7 ngày bệnh sẽ tự khỏi, hoặc có thể khỏi nhanh hơn nếu người bệnh biết tăng cường sức đề kháng bằng dinh dưỡng hợp lý.
Còn việc tự ý mua thuốc, khi thấy hết bệnh thì họ đinh ninh dùng thuốc đúng, song thuốc kháng sinh không có tác dụng chữa siêu vi. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Vì vậy, đó là cách vô tình người bệnh lạm dụng thuốc kháng sinh”.
Nhiều người vẫn chưa hiểu hết giá trị đích thực của kháng sinh là gì, cứ nghĩ có kháng sinh thì bệnh sẽ mau hết nên riết thành thói quen, bệnh gì người ta cũng dễ dàng ra nhà thuốc mua thuốc về uống.
Chính vì sử dụng dễ dãi, thậm chí lạm dụng kháng sinh mà tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến.
Đặc biệt, sai lầm lớn của người dùng kháng sinh là không biết hết cơ chế điều trị và công hiệu của nhóm thuốc này. Đó là phải dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian quy định để đảm bảo cơ thể lúc nào cũng đủ lượng thuốc để chống chọi với vi khuẩn.
Ví dụ: bác sĩ kê đơn: uống 2 lần/ngày thì khoảng cách mỗi lần uống thuốc là 12 giờ. Uống 3 lần/ngày, khoảng cách giờ là 8. Uống thuốc đủ số ngày bác sĩ ghi trong đơn (một liệu trình) thường là 7 hoặc 10 ngày.
Trong thực tế, việc ngưng thuốc kháng sinh giữa chừng hoặc thay đổi kháng sinh trong quá trình điều trị là khá phổ biến.
Theo bác sĩ Trung Tín, khi dùng thuốc tùy tiện có thể gặp phải những tác dụng phụ, chẳng hạn, tự ý dùng corticoid để trị đau nhức và dùng lâu ngày sẽ xảy ra các tai biến hết sức đáng tiếc như loãng xương, phù, cao huyết áp nhưng nếu dùng đúng sẽ phát huy tác dụng kháng viêm tốt.
Đối với những bệnh lý phức tạp, việc tự ý dùng thuốc bừa bãi có thể làm khuất lấp triệu chứng nhưng bệnh vẫn phát triển, dẫn đến khó trị.
Trong một số trường hợp, nguy cơ bệnh nhân bị tử vong do sốc phản vệ hoặc dị ứng trầm trọng không hồi phục xảy ra ở một số nơi đã báo động về việc dùng thuốc tùy tiện.
Hiện nay, phần lớn kháng sinh được bán ở các hiệu thuốc nước ta không có đơn của bác sĩ, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về bắt buộc mua thuốc kháng sinh phải có kê đơn nhưng việc xử phạt không khả thi.
Bài, ảnh: MAI ANH